>> Để bất động sản hấp hối thì không còn cứu kịp
Năm 2013, thị trường bất động sản (BĐS) ghi nhận nhiều biến động. Các vụ tranh chấp giữa chủ đầu tư và khách hàng, sai phạm trong hợp đồng, cách tính diện tích căn hộ liên tiếp xảy ra.
Tuy nhiên, khép lại 2013, thị trường đã có những dấu hiệu khả quan tạo đà cho sự phục hồi vào năm 2014. Song đổi thay lớn nhất là việc khách hàng đã thực sự được tôn trọng trong giao dịch mua bán nhà đất.
Sản phẩm phù hợp với khách hàng đã tạo sự hồi phục cho thị trường bất động sản. Trong ảnh: Một góc Khu đô thị Sài Đồng, Long Biên. Ảnh: Đức Giang
Chưa bao giờ lĩnh vực BĐS lại chứng kiến nhiều sự kiện xảy ra như năm 2013. Tất cả các phân khúc đều rơi vào khủng hoảng, giao dịch trầm lắng, lượng hàng tồn kho tăng cao. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS gặp khó khăn trầm trọng, thậm chí phải bán dự án, giải thể. Các vấn đề bất cập, tranh chấp, kiện tụng, sai phạm trong xây dựng, thiết kế, tính diện tích, phí dịch vụ giữa chủ đầu tư và khách hàng cũng theo đó liên tiếp nảy sinh tại các khu Golden Westlake, Park City, The Manor... Thậm chí, không thể giải quyết bằng hòa giải, dẫn đến xô xát. Không ít vụ dự án đắp chiếu, chủ đầu tư bỏ trốn cũng xảy ra. Những điểm xấu này của thị trường khiến khách hàng ngày càng e dè, mất niềm tin với BĐS.
Trước thực trạng đó, nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường, doanh nghiệp, cũng như tạo cơ hội cho người có nhu cầu cải thiện chỗ ở, Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng, lãi suất 6%/năm, thời hạn 10 năm. Cùng với đó, khởi công xây dựng, chuyển đổi công năng của các dự án nhà ở, hướng vào phát triển nhà ở xã hội. Chia nhỏ diện tích nhà ở thương mại để tăng cung, tăng khả năng sở hữu nhà cho người dân và giải phóng hàng tồn kho. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, giải pháp này chưa thực sự phát huy tác dụng.
Để chính sách đi đúng hướng hơn, Chính phủ tiếp tục đưa nhiều giải pháp hỗ trợ như: giãn giảm thuế, mở cửa cho người nước ngoài mua nhà, đề xuất sửa đổi Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở… Nhờ đó, thị trường cuối năm đã khả quan hơn.
Đáng chú ý, năm 2013 các chủ đầu tư đã thực sự nhìn nhận lại thị trường, đánh giá đúng đối tượng khách hàng để đưa ra sản phẩm phù hợp. Động thái đầu tiên của các chủ đầu tư là giảm giá bán các sản phẩm. Xác lập mặt bằng giá mới, giao động quanh ngưỡng 15 - 30 triệu đồng/m2, giá bán được cho là phù hợp với khả năng chi trả của người tiêu dùng. Tiếp đó sự thay đổi trong hoạt động kinh doanh BĐS, đánh vào tâm lý, khách hàng được quan tâm, tôn trọng, đã tạo sự chuyển dịch tích cực của thị trường. Điển hình như việc, khách hàng làm chủ dòng tiền đầu tư như dự án Usilk City, Emico… Được bảo lãnh và cam kết tiến độ như dự án Hạ Đình Tower. Thậm chí nhiều chủ đầu tư còn chấp nhận chịu phạt nếu chậm bàn giao như dự án Văn Phú Victoria, Rainbow Linh Đàm… Đặc biệt, một số dự án cho khách hàng nhận nhà trước, trả tiền sau như Hapulico Complex, Gamuda Yên Sở, Huyndai Hillstate… hoặc thuê lại với giá cao lên đến 80 triệu đồng/tháng như dự án Watermark Tây Hồ.
Không chỉ vậy, các chủ đầu tư còn tập trung dồn hết nguồn lực đẩy nhanh tiến độ, tăng tiện ích cho dự án của mình và giúp đỡ khách hàng tiếp cận với những khoản vay lãi suất thấp… Sau khi chủ động thay đổi, tổng kết mỗi đợt bán hàng, các chủ đầu tư đều cho biết thanh khoản tăng, giao dịch và khách quan tâm nhiều. Nhờ vậy, thị trường đã rục rịch khởi sắc. Càng cận kề cuối năm, thị trường càng ghi nhận nhiều dự án tái khởi động hoặc ồ ạt ra hàng, chào bán.
Năm 2013 sắp khép lại, ý kiến xung quanh thị trường BĐS còn nhiều chiều hướng khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết giới chuyên môn đều cho rằng, thị trường năm 2014 sẽ khởi sắc. Niềm tin đó hoàn toàn có cơ sở khi thực tế tình hình kinh tế vĩ mô đã có dấu hiệu chuyển biến tốt và đầu tư BĐS hiện vẫn là kênh an toàn, hấp dẫn. Đặc biệt, vốn FDI đổ về lĩnh vực này ngày càng tăng, sự quan tâm của các nhà đầu tư ngoại với BĐS Việt Nam ngày càng nhiều.
Nguồn: Bất Động Sản
Liên Quan:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét