Xem thêm:
Ảo giác “rã đông” tồn kho bất động sản?
Viễn cảnh về một tổ hợp bất động sản hoành tráng trên khu đất rộng 9 ha tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM đã được WCT Engineering Berhad cùng đối tác Việt Nam là Công ty Xây dựng và Thương mại Minh Thiên vẽ ra cách đây hơn 6 năm.
Khu đất xây dựng Trung tâm Tài chính Việt Nam (quận 10, TP.HCM) đang được tận dụng làm bãi giữ xe ôtô. Ảnh: Trường Nikon
Cuối năm 2007, hai đối tác này đã nhận được giấy phép thành lập liên doanh đầu tư một khu phức hợp đa chức năng mang tên Platinum Plaza. Dự án gồm tòa tháp khách sạn 4 sao, khối nhà văn phòng cao 22 tầng, trung tâm thương mại và dịch vụ cao 4 tầng, với vốn đầu tư dự kiến cho giai đoạn đầu lên đến 60 triệu USD.
Đây là dự án khởi đầu cho việc đầu tư vào Việt Nam của WCT, một công ty xây dựng và phát triển bất động sản Malaysia, trước khi WCT ký tiếp một hợp đồng liên doanh vào cuối năm 2011 để phát triển một khu nhà ở tại Nam Sài gòn.
Tuy nhiên, 6 năm đã trôi qua, những tổ hợp bất động sản do WCT và đối tác Việt Nam vẽ ra vẫn chỉ tồn tại trên giấy. Đến cuối tháng 2, WCT thông báo với Sở Giao dịch Chứng khoán Malaysia là Ủy ban Nhân dân TP.HCM đã có quyết định rút giấy phép đầu tư của dự án Platinum Plaza và WCT cũng tuyên bố chấm dứt theo đuổi dự án này.
Platinum Plaza là một trong số những dự án đầu tư nước ngoài ra mắt trong thời kỳ bất động sản sôi động năm 2007-2009 (vốn nước ngoài chảy vào lĩnh vực này đạt đỉnh 23 tỉ USD vào năm 2008).
Một số dự án lớn đã đi vào hoạt động như tổ hợp Keangnam (vốn đăng ký 800 triệu USD) hay Hồ Tràm Strip tại Vũng Tàu (vốn đăng ký 4,2 tỉ USD). Tuy nhiên, phần lớn những dự án có vốn đầu tư nước ngoài được cấp phép trong thời kỳ này đều có số phận giống như Platinum Plaza: chỉ hoành tráng trên giấy, còn thực tế vẫn chỉ là những bãi đất trống bỏ hoang hoặc xây dựng dở dang.
Các dự án của Berjaya, một công ty Malaysia, cũng có số phận hẩm hiu không kém. Công ty này đã đặt cược lớn vào thị trường Việt Nam khi quyết định mua lại 2 khách sạn đang hoạt động tại Hà Nội là InterContinental và Sheraton, đồng thời giành được giấy phép đầu tư thêm 5 dự án bất động sản lớn trong giai đoạn 2007-2009, với tổng vốn đầu tư đăng ký lên đến gần 6 tỉ USD.
Nổi bật trong số này là dự án Khu Đô thị Đại học Quốc tế VIUT (3,5 tỉ USD), Trung tâm Tài chính Việt Nam (930 triệu USD) tại TP.HCM và Nhơn Trạch New City Center (1,2 tỉ USD) ở Đồng Nai. Vốn đăng ký rất lớn, nhưng trên thực tế, Berjaya chưa đặt được viên gạch nào tại 3 dự án này.
Cũng giống như WCT, Berjaya quyết định từ bỏ dự án Nhơn Trạch New City Center vào năm ngoái. Tập đoàn này cũng quyết định giảm một nửa quy mô đầu tư của dự án Trung tâm Tài chính Việt Nam, nhưng cho đến nay cũng vẫn chưa khởi công xây dựng. Tương lai của dự án VIUT lại càng xa vời vì phần lớn khu đất rộng 900 ha tại huyện Củ Chi và Hóc Môn chưa được đền bù giải phóng mặt bằng và bị để hoang do người dân không được canh tác hoặc xây nhà.
Những dự án như thế có mặt ở khắp nơi, từ Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng cho đến Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự án Khu Đô thị Halong Star tại Quảng Ninh, với tổng vốn đầu tư 550 triệu USD, được cấp phép cùng thời với dự án Platinum Plaza của WCT, giờ đây vẫn là bãi đất trống dù Tập đoàn Sovico Holdings (Việt Nam) đã mua lại cổ phần chi phối.
Những dự án có vốn đăng ký hàng trăm triệu USD của các nhà đầu tư Hàn Quốc như Booyoung (Hà Nội), Khu Đô thị Đa Phước (Đà Nẵng) cũng nằm im lìm.
Dường như chủ đầu tư của những dự án này đều lý luận rằng thị trường bất động sản Việt Nam rơi vào khủng hoảng trong những năm qua, khiến kinh doanh khó khăn. Nếu họ xây dựng thì cũng không bán được. Chẳng hạn, Berjaya có 2 dự án liên doanh xây dựng nhà ở tại Hà Nội và Biên Hòa, nhưng cả hai đều bán chậm, nên không muốn đầu tư dự án mới.
Thậm chí, nếu Berjaya đầu tư xây dựng dự án Trung tâm Tài chính Việt Nam với quy mô như đăng ký là 5 tòa tháp văn phòng 44-48 tầng thì chắc chắn cũng sẽ không kinh doanh được vì thời gian qua các cao ốc mới ở trung tâm TP.HCM còn kinh doanh chật vật chứ nói gì đến một địa điểm xa trung tâm như quận 10.
Cũng không có gì khó hiểu khi WCT rút khỏi dự án Platinum Plaza vì nếu xây khách sạn, văn phòng cho thuê ở huyện Bình Chánh thì ai sẽ thuê, khi các quận trung tâm vẫn còn thừa văn phòng cho thuê.
Không có nhiều nhà đầu tư đủ dũng cảm như WCT để từ bỏ dự án đang theo đuổi. Nếu chưa rót tiền làm quy hoạch, giải phóng mặt bằng, hoặc trả tiền thuê đất, quyết định từ bỏ dự án có thể sẽ dễ dàng hơn. Nhưng nếu đã rót tiền vào dự án thì nhà đầu tư cũng không đành bỏ của chạy lấy người.
Không chỉ có nhà đầu tư nước ngoài đang tiến thoái lưỡng nan, mà chính quyền các địa phương cũng đang mắc kẹt với những dự án này. Nếu nhà đầu tư không triển khai hoặc triển khai cầm chừng, những vùng đất quy hoạch để phát triển bất động sản sẽ bị để hoang, trong khi dân lại không được canh tác. Nếu rút phép thì sẽ chưa biết xử lý thế nào với số tiền nhà đầu tư đã rót vào để đền bù, giải phóng mặt bằng, hoặc nộp tiền đất.
Vì thế, những khu đất hoang, những dự án dở dang chắc chắn sẽ còn tồn tại lâu dài, bộ mặt đô thị cũng như môi trường đầu tư sẽ bị ảnh hưởng. Xử lý hậu quả của một thời đua nhau cấp phép cho các dự án bất động sản hoành tráng có vốn đầu tư nước ngoài, mà không thẩm định kỹ năng lực của chủ đầu tư xem ra không hề dễ dàng đối với các địa phương.
Theo Bất Động Sản
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét