Xem thêm:
Sẽ siết chặt quản lý đất thuộc sở hữu Nhà nước
Trước thông tin cơ quan chức năng đang cân nhắc tung gói tín dụng khoảng 100.000 tỷ đồng, nhằm phục hồi thị trường BĐS. Câu hỏi đặt ra: "vết xe" cũ của gói 30.000 tỷ đồng liệu sẽ tiếp nối?
Gần một năm nay, giới tạo lập BĐS, khách hàng mua nhà và cơ quan quản lý vẫn loay hoay với gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho thị trường, nhưng kết quả giải ngân tới hiện tại chỉ chưa đầy… 4%.
"Chạy rốt đa" sau 1 năm
Một năm trước, BĐS Việt Nam được tiếp "sinh khí" nhờ Nghị quyết 02 của Chính phủ đặt trọng tâm vào vấn đề giải cứu thị trường.
Doanh nghiệp xây dựng địa ốc, nhà đầu tư, người mua có nhu cầu thực thêm tin tưởng vào "rừng mơ phía trước" khi gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng. Những nét chủ đạo của gói 30.000 tỷ như 70% cho người mua vay, 30% cho doanh nghiệp tạo lập BĐS, hay lãi suất cho vay không quá 6% trong vòng 10 năm, làm người người, nhà nhà đều vui vì ánh sáng đã hé "cuối đường hầm".
Đến hết tháng 1/2014, dù NHNN đã phát đi thông tin tích cực về tốc độ giải ngân gói hỗ trợ, nhưng tỷ lệ số lượng doanh nghiệp, cá nhân vay mua nhà được nhà băng "mở hầu bao" so với phần còn lại của thị trường chỉ như muối bỏ bể. Trong khi bối cảnh kinh tế vĩ mô chưa thể lạc quan về vấn đề lạm phát, nợ xấu tín dụng, bội chi ngân sách, "phép màu" 30.000 tỷ đồng cho BĐS vẫn chưa "linh" sau hơn 10 tháng thực hiện.
Thông tin về gói hỗ trợ 100.000 tỷ đồng đang được cân nhắc tung ra lại càng gây ồn ào dư luận. Tâm thế chung của người dân, cũng như hàng trăm doanh nghiệp đang xếp hàng chờ phê duyệt vay tiền ngân hàng: bao giờ Bộ Xây dựng ban hành Thông tư hướng dẫn thực thi Nghị định 188 về quản lý, phát triển NƠXH; khi nào NHNN "bớt" cẩn trọng và mở "nút thắt" về tài sản thế chấp hình thành trong tương lai; cũng như thủ tục xét duyệt, xác nhận điều kiện ở, thu nhập, sẽ thông thoáng như đại diện Cục Quản lý Nhà và thị trường BĐS từng tuyên bố?!
Bài toán an cư của người dân, sự tồn tại của DN BĐS, sức mạnh của nền kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào cách thực thi chính sách
Nhiều chuyên gia kinh tế, nhà hoạch định chính sách hay giới học thuật đều thống nhất căn bản về điểm "nghẽn" gây cản trở giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, tựu trung xoay quanh 4 điểm: thiếu nguồn cung đáp ứng tiêu chí tiếp cận vay (NƠXH, NƠTM diện tích dưới 70m2, giá dưới 15 triệu đồng/m2); thủ tục hành chính thực hiện việc thẩm định, phê duyệt chấp thuận cũng như chuyển đổi dự án còn khó khăn, vướng mắc đối với thế chấp tài sản hình thành trong tương lai; xác nhận của cơ quan chính quyền địa phương về thực trạng nhà ở – thu nhập vẫn "đánh đố" người dân. Thách thức đối với doanh nghiệp BĐS phản ánh rõ nét ở số lượng đơn vị có khả năng tiếp cận được gói hỗ trợ. Tính đến tháng 1/2014, vỏn vẹn 50 dự án NƠTM nằm trong diện… xét duyệt chuyển đổi công năng sang NƠXH (không xét tới tỷ lệ quá ít các dự án NƠXH hiện hữu).
Lời nói có đi đôi việc làm?
Cuối tháng 1/2014, tin vui với người có nhu cầu vay tiền mua nhà ở thu nhập thấp, NƠXH là các thủ tục liên quan sẽ được tối giản.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, những người đi làm ăn lương ngân sách, tại các đơn vị sự nghiệp công lập chỉ cần có xác nhận điều kiện ở của cơ quan (không cần xác nhận thu nhập). Còn lại, những đối tượng làm ngoài công lập, sẽ chỉ cần xác nhận thực trạng ở tại nơi đăng ký hộ khẩu.
Ngay sau Tết Nguyên đán, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, NHNN ra Thông tư liên tịch cho phép người vay mua nhà thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai. Đồng thời, sẽ tăng thêm số NHTM được tham gia giải ngân gói 30.000 tỷ đồng. Đặc biệt, việc thúc đẩy hình thành ngân hàng tiết kiệm nhà được khẳng định bằng thông tin Thủ tướng đã chấp nhận lập đề án riêng và cho thực hiện thí điểm. Cùng chung quyết tâm thực hiện giải ngân gói hỗ trợ, nhiều ngân hàng (tiêu biểu là BIDV) đã cấp tập xây dựng các bộ tiêu chí, nhằm khoanh nợ BĐS cho các dự án, doanh nghiệp có khả năng phục hồi.
Theo giới chuyên môn và doanh nghiệp địa ốc, đây là những giải pháp mang tính căn cơ, "hóa giải" các "cố tật" của thị trường, nhưng không thể kỳ vọng thực hiện trong nay mai. Ngoài ra, xuất hiện luồng ý kiến cho rằng "phần chìm của tảng băng" vẫn chưa được chạm tới. Đó là sự thiếu hụt trầm trọng quỹ NƠXH trên cả nước nói chung và các đô thị đặc biệt như Hà Nội, Tp.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng.
Về điều này, ông Nguyễn Trọng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) phân tích: giải pháp quan trọng nhất để giải ngân gói 30.000 tỷ đồng là tăng nhanh các quỹ NƠXH. Quỹ này đang rất thiếu, trong khi nhu cầu ở các thành phố lớn lại rất cao. Đây là giải pháp và cũng là điều khó khăn nhất cần thực hiện trong thời gian tới…
Còn về phần tháo gỡ thủ tục xác nhận điều kiện ở đối với những người làm việc tại các cơ quan ngoài công lập, nguồn tin ban đầu từ đại diện Bộ Xây dựng cho biết, cơ sở xác nhận sẽ là người dân tự giác khai về thu nhập, bên cạnh việc xác nhận nơi ở dựa trên hộ khẩu đối tượng. Nếu phát hiện khai man, cơ quan quản lý sẽ xử lý hậu kiểm. Vấn đề đặt ra, chế tài xử lý sai phạm có đủ sức răn đe nếu người dân thiếu tự giác?
Trường hợp "đi đêm" giữa đơn vị xác nhận tại địa phương và người dân sở tại có được loại trừ?.. Gần hết tháng 2/2014, những khẳng định từ Bộ Xây dựng vẫn dừng ở thì… tương lai. Trong khi đó, lại xuất hiện cú "sốc" mang tên 100.000 tỷ đồng cho BĐS. Nếu lộ trình và cách thực hiện chính sách không được cụ thể hóa, "cục máu đông" BĐS vẫn sẽ "nằm bất động".
Theo Bất Động Sản
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét