Xem thêm:
BĐS đầu năm: Thuê, mua cùng khởi động
Bất động sản (BĐS) khu vực phía Tây Hà Nội đang kỳ vọng khởi sắc nhờ sự khớp nối của hạ tầng và nỗ lực tái cơ cấu của chủ đầu tư các dự án.
Tin vui cho các nhà đầu tư bất động sản tại các dự án BĐS khu vực phía Tây Hà Nội là việc Bộ Giao thông - Vận tải vừa có công văn đề nghị UBND TP. Hà Nội sớm mở rộng Quốc lộ 32 (đoạn từ Nhổn đến thị xã Sơn Tây) lên quy mô 4 làn xe.
Dự án địa ốc tầm trung sẽ hút khách trong năm nay. Ảnh: Đ.T
Trước đó, vào tháng 11/2013, đề nghị tương tự của Bộ Giao thông - Vận tải đã bị UBND TP. Hà Nội “bác”, với lý do dự án không nằm trong kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông Thành phố giai đoạn 2011 - 2015.
Trong lần đề nghị thứ 2 này, Bộ Giao thông - Vận tải nêu rõ: trong tổng số 27 km của Quốc lộ 32 có tới 14 km chỉ có hai làn xe, nên khó đáp ứng nhu cầu đi lại từ Hà Nội lên Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, khi cầu Vĩnh Thịnh thông xe trong năm nay. Đồng thời, đoạn tuyến này không đồng bộ với đoạn từ Diễn đi Nhổn (đã mở rộng lên 4 làn xe). Do vậy, Bộ nhận định việc mở rộng Quốc lộ 32 trước năm 2016 là “hết sức cần thiết”.
Một khi Dự án được UBND TP. Hà Nội nhất trí thông qua, thì hàng loạt dự án BĐS khu vực phía Tây và Tây Bắc Hà Nội, như Khu đô thị Quốc Oai, Tân Tây Đô, Lideco, Kim Chung - Di Trạch, Vân Canh, Dương Nội, Xuân Phương... sẽ được hưởng lợi.
Thời gian qua, Đại lộ Thăng Long và hệ thống đường gom, cầu vượt dân sinh 2 bên Đại lộ; Dự án Nâng cấp đường 70 đoạn Đại lộ Thăng Long - Nhổn; đường Hoàng Quốc Việt kéo dài; Dự án đường Lê Đức Thọ - Xuân phương... đã và đang thay đổi bộ mặt hạ tầng khu vực này.
Từng là khu vực có tốc độ đô thị hoá cao nhất của Hà Nội 5 năm trước, thị trường BĐS phía Tây Thủ đô đã trải qua thời kỳ trầm lắng khá dài. Nay, những người mua nhà để ở tại khu vực này có thể tìm thấy những tiện ích phù hợp từ khả năng kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ.
Một lý do khác để nhà đầu tư hy vọng vào các dự án BĐS khu vực phía Tây là nỗ lực tái cơ cấu dự án của các chủ đầu tư. Cuối năm 2013, hàng loạt dự án BĐS đã hồi sinh dưới bàn tay của các ông chủ mới hoặc bằng việc làm mới dự án. Nhiều dự án trong số này đã và đang được chào bán với mức giá hấp dẫn.
Đó là những dự án thuộc phân khúc trung bình, như Khu đô thị Tân Tây Đô, Thăng Long Victory, Xuân Phương, Tây Mỗ... (giá từ 11 đến 15 triệu đồng/m2), tạo cơ hội tốt cho những khách hàng mua nhà để ở. Đó có thể là những dự án BĐS cao cấp, như Thăng Long Number One (của Viglacera, 27 - 28 triệu đồng/m2), Hanoi WestGate (liên doanh giữa Gami Group và Keppel Land) hay FLC Garden City (FLC Group mua lại từ Công ty Alaska Land), mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận trong tương lai không xa.
Sở Xây dựng Hà Nội vừa công bố chỉ số giá giao dịch bất động sản căn hộ chung cư quý IV/2013 của một số khu vực trên địa bàn TP. Hà Nội. Cụ thể:
Chỉ số giá giao dịch căn hộ chung cư trung cấp tại quận Ba Đình tăng nhẹ từ 81% lên 83%, tại quận Đống Đa tăng từ 75% lên 79%, tại Hà Đông tăng từ 66% lên 69%, Hoàng Mai tăng từ 71% lên 72%, Long Biên tăng từ 81% lên 82%, Tây Hồ tăng từ 82% lên 84%.
Với loại căn hộ chung cư bình dân, chỉ số giá gần như giữ nguyên so với quý III/2013.
Tại phân khúc căn hộ cao cấp, giá vẫn giữ nguyên trong vòng nhiều quý. Cụ thể, tại quận Cầu Giấy, chỉ số này đứng ở mức 72% trong cả 4 quý của năm 2013; tại quận Thanh Xuân, quý III và quý IV cùng đứng ở mức 85%; tại quận Tây Hồ, chỉ số này giữ ở mức 77% trong suốt 3 quý cuối năm. |
Theo Bất Động Sản
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét